Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Xe máy ế ẩm, dân buôn không chừa trò bẩn để đẩy giá


Trên thực tế, qua khảo sát ở các cửa hàng do Honda ủy nhiệm tại Hà Nội, xe máy vẫn tràn ngập và không thấy có hiện tượng thiếu. Ngay cả mẫu xe Lead cũng bày bán rất nhiều, kể cả 2 màu vàng, xanh vốn được nhiều khách hàng lựa chọn và giá bị đẩy lên cao nhất cũng không thiếu xe. Khách hàng không nhiều, chỉ tương đối tấp nập vào 2 ngày nghỉ cuối tuần, còn ngày thường rất vắng vẻ, thưa thớt.



Một chiếc Honda Lead bản chuẩn có giá đề xuất là 37.490.000 đồng và cho phiên bản cao cấp là 38.490.000, vậy mà khi ra các đại lý đã bị đội giá lên 43,9 triệu đồng? Số tiền chênh này đi đâu?
Vin cớ khó khăn

Sau khi Honda Việt Nam giới thiệu cùng lúc 3 mẫu xe mới là Honda Vision 2014, MSX 125 và Blade, đến nay có 2 sản phẩm đã được chính thức được bày bán tại các đại lý. Tuy nhiên, cả 2 mẫu xe mới này đều bị các đại lý làm giá, đắt hơn giá của nhà sản xuất đưa ra từ 2-3 triệu đồng/xe.

Tại một số cửa hàng ở Hà Nội, số lượng xe MSX 125 khá ít, mỗi cửa hàng chỉ có khoảng một hoặc hai xe, chủ yếu là màu xanh. Hai màu đỏ và trắng vẫn chưa có mặt. Mức giá đại lý đưa ra là 62 triệu hoặc 63 triệu đồng, cao hơn giá đề xuất của Honda Việt Nam khoảng 3 triệu đồng. Cùng với đó, mẫu xe Vision 2014 cũng được bán cao hơn giá đề xuất khoảng 2 triệu đồng.

Không chỉ có những mẫu xe mới ra bị đẩy giá lên cao, thời gian qua, một loạt mẫu xe tay ga khác của Honda Việt Nam cũng đã bị đẩy giá lên. Chẳng hạn như mẫu xe Honda Lead đang được các đại lý đẩy giá lên cao hơn từ 3-5 triệu đồng; SH 125i cao hơn khoảng 2 triệu đồng/xe; SH Mode cao hơn từ 3-4 triệu đồng/xe,... so với giá đề xuất.


Xe bán ra thị trường hiện có mức giá chênh 3-5 triệu so với giá đề xuất của hãng
Sau một thời gian dài rơi vào tình cảnh khó khăn, tiêu thụ chậm, giá bán giảm, từ giữa tháng 8 đến nay, một số mẫu xe máy lại được cớ vọt lên trên giá đề xuất chính hãng khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi bức xúc.

Một khách hàng là sinh viên mới ra trường, vừa đi làm, có nhu cầu đổi xe, tâm sự: "Sau hơn một năm đi làm, dành dụm được số tiền ít ỏi đủ để đổi chiếc xe máy cũ chạy gần mười năm nay, em quyết định đổi sang chiếc Honda Lead. Nhưng em ngã ngửa khi nghe mấy cửa hàng do Honda uỷ quyền tại Hà Nội báo giá. Giá đề xuất của Honda Việt Nam cho xe Lead bản tiêu chuẩn là 37.490.000 đồng và cho phiên bản cao cấp là 38.490.000, vậy mà các cửa hàng đội lên 43.900.00 đồng”.

“Số tiền chênh lệch này đi đâu? Ai sẽ là người được hưởng lợi? Câu trả lời tất nhiên là các cửa hàng do Honda uỷ quyền. Nhà sản xuất đưa ra giá đề xuất và đó là giá để họ đã tính đến các khoản chi phí, hoa hồng dành cho người phân phối rồi. Rõ ràng các hãng đã tự đưa mức giá này để ăn chênh, trục lợi", cô than thở.

Đổi liên tục như giá vàng

Một số đại lý thanh minh, giá xe máy trên thị trường tăng giảm theo quy luật. Cứ sau Tết âm lịch, khi nhu cầu giảm thì giá xe cũng giảm theo. Hầu như, giá các mẫu xe đều giảm thấp hơn cả giá đề xuất.

Tuy nhiên, từ giữa tháng 8 dương lịch hàng năm, khi chuẩn bị vào năm học mới cho đến Tết âm lịch, nhu cầu tăng khiến cho giá xe máy tăng. Tuy nhiên, chỉ một số mẫu xe được nhiều khách hàng quan tâm giá mới tăng.

“Có nhiều thời điểm giá xe Lead giảm 3 triệu đồng so với giá đề xuất thì chẳng thấy người tiêu dùng nào kêu ca, phàn nàn xem ai là người được hưởng lợi. Nhưng nếu tăng giá thì lại bức xúc. Thị trường xe máy nhu cầu cao thấp mỗi khác, giá xe thay đổi theo là chuyện tất yếu. Giá của nhà máy chỉ là giá đề xuất, còn giá thực tế phải theo thị trường” - nhân viên một đại lý nói.

Không đồng tình với ý kiến trên, một khách hàng nhận xét thái độ bán hàng tại các cửa hàng do Honda uỷ quyền rất kỳ lạ. "Không có bảng giá cố định, giá cả thay đổi theo ngày, chả lẽ giá xe cũng thay đổi bất thình lình như giá vàng? Vậy thì giá mà nhà sản xuất đưa ra công khai còn có nghĩa lý gì? Nhà sản xuất mà không thể kiểm soát được giá bán lẻ thì họ sẽ đánh mất lòng tin với khách hàng” khách hàng này chất vấn.

Đại diện Công ty Honda cho biết sản xuất của DN này vẫn ổn định và không có chuyện thiếu xe. Không những thế, Honda Việt Nam đã phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất giảm xuống còn 1,85 triệu chiếc trong năm 2014, thấp hơn so với 1,95 triệu chiếc của năm 2013 do tiêu thụ xe vẫn giảm.


Một số ý kiến cho rằng, thị trường xe máy đang ăn theo tâm lý đám đông. Tâm lý chung của khách hàng Việt Nam với nhiều sản phẩm, kể cả bất động sản, khi giá giảm chẳng ai mua vì nghĩ sẽ còn giảm nữa, nhưng khi thấy tăng là tranh nhau mua do lo sợ tăng cao. Đánh vào tâm lý này, các đại lý đã đẩy giá một số mẫu xe có nhiều người quan tâm lên để hưởng lợi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét